Tóm tắt
Đặt vấn đề: Một trong những biện pháp xử lý không khí được khuyến cáo hiện nay là sử dụng màng lọc HEPA, màng lọc khí hạt có hiệu quả cao để lọc vi sinh vật kết hợp với khử khuẩn bằng tia cực tím. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của việc xử lý không khí bằng HEPA và cực tím trong các điều kiện môi trường khác nhau.
Phương pháp nghiên cứu: Lấy mẫu không khí ở các thời điểm khác nhau tại phòng khám, chia làm 5 lô thử nghiệm ở các điều kiện thong khí khác nhau. Lấy mẫu bằng máy Microflow hút 300 lít không khí trong một lần lấy mẫu.
Kết quả: Tổng số mẫu không khí được thực hiện là 100 mẫu. So sánh giữa các điều kiện môi trường khác nhau cho thấy mật độ vi sinh vật sau khi xử lý không khí trong điều kiện làm việc bình thường có giảm so với trước khi sử dụng máy nhưng không khí vẫn chưa đạt mức độ không khí sạch cấp D ( <200 khúm vi sinh vật /m3 không khí). Máy lọc khí có hiệu quả rõ khi không có người ra vào phòng và đặc biệt giảm khi có hệ thống hút khí và độ lạnh thích hợp (<25 khúm vi sinh vật /m3 không khí). Trong điều kiện có người ra vào phòng không khí có các vi khuẩn gây NKBV như Staphylococcus aureus, Enteroccocus, Klebsiella, Acinetobater baumanii.
Kết luận: Xử lý không khí bằng màng lọc HEPA kết hợp tia cực tím có hiệu quả để khử khuẩn môi trường không khí. Tuy nhiên hiệu quả phụ thuộc nhiều vào số người hiện diện trong phòng, mức độ thông khí của phòng. Việc xử lý không khí bằng màng lọc HEPA kết hợp tia cực tím cần lắp đặt cùng với hệ thống cấp khí tươi từ ngoài để có hiệu quả tối ưu. Hạn chế lưu lượng người vào phòng bệnh là rất quan trọng trong việc giảm ô nhiễm phòng bệnh.
Lê Thị Anh Thư - Bệnh viện Chợ Rẫy
|