Nghị viện châu Âu (EP) ngày 11/9 đã thông qua kế hoạch hạn chế sử dụng nhiên liệu sinh học truyền thống trong việc giải quyết mối quan ngại về vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo kế hoạch vừa được EP thông qua, Liên minh châu Âu sẽ giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra từ gia tăng sử dụng đất nông nghiệp trong sản xuất nhiên liệu sinh học.
Các nghị sỹ EP cho rằng nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất (làm từ các nguồn truyền thống) không nên vượt quá mức 6% trong năng lượng sử dụng cho giao thông vận tải vào năm 2020, giảm so với mục tiêu hiện tại là 10%.
Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học tiên tiến làm từ các nguồn như rong biển hoặc một số loại rác thải khác, với mục tiêu loại nhiên liệu này chiếm ít nhất 2,5% mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vào năm 2020.
Trước đây khoảng 5 năm, vào thời điểm nhiên liệu sinh học vẫn được coi là không có hại cho môi trường, EU đã nhất trí tăng tỷ trọng các loại nhiên liệu này trong tổng mức tiêu thụ năng lượng lên 10%.
Nhưng kể từ sau đó, tại châu Âu đã nổi lên nhiều luồng dư luận xung quanh mục tiêu này, thậm chí nhiều loại nhiên liệu sinh học hiện nay còn bị coi là có hại cho môi trường hơn cả những loại nhiên liệu hóa thạch bị thay thế.
Các chuyên gia cho rằng mục tiêu của EU về nhiên liệu sinh học đang khuyến khích nông dân phá rừng để lấy chỗ trồng các loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu.
Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng ngay cả các cây nhiên liệu sinh học trồng tại châu Âu cũng có thể gây ra cú sốc đối với thị trường lương thực thế giới, vì nó làm giảm nguồn cung ngũ cốc, đồng thời đội giá thức ăn chăn nuôi lên cao và kéo theo đó là giá thịt tăng.
Theo TTXVN/Vietnam+
Nguồn: khoahoc.com.vn, ngày 02/10/2013
|