Sự kiện xảy ra hồi năm 1257 với vụ phun trào cực lớn, đến nỗi tro bụi của nó ngày nay còn hiện diện trong băng ở tận Bắc cực và cả Nam cực.
Trong khi các văn bản thời Trung cổ ở châu Âu ghi nhận tình trạng khí hậu lạnh đột ngột và mùa màng thất bát.
BBC ngày 30/9 dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences) cho biết một nhóm chuyên gia quốc tế đã xác định nơi gây ra thảm họa trên chính là núi lửa Samalas trên đảo Lombok ở Indonesia.
Hiện nay, núi lửa Samalas chỉ còn lại là một cái hồ rộng lớn của miệng núi lửa ban đầu.
Kết quả trên được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu thực hiện việc so sánh tính chất hóa học giữa tro bụi của vụ phun trào hồi năm 1257 còn giữ lại trong băng ở vùng cực và dữ liệu thu thập được tại khu vực Lombok, cũng như tìm hiểu biên niên sử ở Vương quốc Lombok trong thời gian thế kỷ 13.
"Bằng chứng là rất vững chắc và đầy thuyết phục", Giáo sư Clive Oppenheimer, thuộc Đại học Cambridge (Anh) nói với BBC.
Đồng sự của ông là Giáo sư Franck Lavigne, thuộc Đại học Pantheon-Sorbonne (Pháp) nói thêm là "Chúng tôi làm công việc gần giống như là một cuộc điều tra hình sự".
BBC cho biết thảm họa núi lửa năm 1257 trong những báo cáo trước đó từng được cho là khởi nguồn từ núi lửa ở Mexico, Ecuador hay New Zealand.
Tuy nhiên qua các nghiên cứu địa hóa học thì núi lửa ở các quốc gia trên không đáp ứng được và chỉ có Samalas là có thể thích hợp để "điền vào tất cả các ô trống", các nhà nghiên cứu cho hay.
Theo nghiên cứu mới thì ngọn núi lửa Samalas khi bùng nổ hồi năm 1257 đã tống vào không gian tro đá với khối lượng đến 40km khối, và cột tro bụi bay lên độ cao ít nhất 40km rồi phủ xuống khắp hành tinh, vươn đến châu Âu và để lại tàn tích trong các lớp băng vùng cực...
Đợt bùng phát này đã tác động mạnh đến khí hậu toàn cầu, khiến thời tiết trở nên tồi tệ với trời lạnh, mưa không ngừng gây lũ lụt và làm thiệt hại lớn về mùa màng.
Theo Thanh Niên
Nguồn: khoahoc.com.vn, ngày 02/10/2013
|