1. Thiếu lương thực, thực phẩm
Chỉ theo tính toán riêng ở Mỹ, năng suất cây trồng của ngô, lúa mì hay bông ở vùng thung lũng trung tâm California sẽ giảm đến 30% trong vài thập kỉ tới.
Nguyên nhân được cho là do sự tăng lượng carbon trong không khí, sự sụt giảm về số lượng loài ong dẫn đến quá trình thụ phấn bất thành…
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến giá thành chế biến, lưu trữ và vận chuyển lương thực, đẩy giá lương thực tăng cao do tăng nhu cầu về nguồn nước và năng lượng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như người tiêu dùng.
2. Khủng hoảng năng lượng
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tạo nên một vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu. Từ năm 1970, nhu cầu sưởi ấm của toàn cầu đã giảm trong khi nhu cầu làm mát tăng vọt.
Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng lên trong các thập kỉ tới, sự gia tăng nhanh chóng của dân số toàn cầu cũng kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển trong việc xây dựng các nhà máy - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, lượng mưa được dự báo sẽ giảm đến 40% ở một số nơi, làm giảm lượng nước - một thành phần quan trọng trong sản xuất thủy điện. Do đó, khủng hoảng năng lượng sẽ là một cơn ác mộng thực sự.
3. Phá hỏng cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã "lão hóa" sẽ không thể chống chọi tốt trước khí hậu khắc nghiệt. Càng ngày, thiên nhiên càng trở nên hung dữ và đáng sợ hơn với những cơn bão hàng năm được nhận xét là vô cùng mạnh.
Theo thống kê, siêu bão Sandy tàn phá nước Mỹ năm ngoái đã cướp đi hơn 90 mạng người và gây thiệt hại gần 50 tỷ USD (hơn 1 triệu tỷ VNĐ) đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Chính sự xuống cấp, "lão hóa" của cơ sở vật chất theo năm tháng cũng như trải qua các thiên tai sẽ là một bất lợi lớn khi cần vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu, nước đến nơi cần trợ giúp.
4. Gây hạn hán
Nhiệt độ Trái đất tăng kéo theo sự gia tăng của nạn hạn hán ở khắp nơi. Lưu lượng nước chỉ là hữu hạn nhưng nhu cầu sử dụng vẫn tăng nhanh, đặc biệt ở một số nước đang phát triển.
Nạn hạn hán hoành hành ở nhiều nơi và ngày càng tồi tệ hơn. Nguy cơ hạn hán kéo dài rất dễ xảy ra, điều này gây nguy hiểm đến sự phát triển của nền nông nghiệp cũng như các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nước.
5. Không khí ngày càng bị ô nhiễm nặng
Sự ấm lên của Trái đất cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm khói bụi dài hạn cũng ảnh hưởng tới quá trình hình thành mây và lượng mưa, khiến các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trầm trọng thêm.
Sự gia tăng lượng ozon trong khí quyển dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh về phổi và theo tính toán, số lượng bệnh nhân hen suyễn dự kiến sẽ tăng đến 10% tại các đô thị lớn.
Các nhà khoa học cho rằng, lượng khí carbon ngày một dày đặc sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các bệnh nhân bị dị ứng.
Bạn có thể làm gì để giảm lượng khí thải CO2 nhằm giúp Trái đất "chậm" nóng lên?
Tất cả hãy cùng hành động để giảm lượng khí CO2 và khí thải mà chúng ta đẩy ra ngoài môi trường, chỉ bằng những việc làm thường ngày:
- Chuyển dần sang đi bộ, đạp xe đạp, sử dụng xe bus thay vì để bố mẹ đèo xe máy hay ôtô khi đi học, đi chơi.
- Tìm cách hạn chế sử dụng nguồn năng lượng từ củi/than đốt hay gas. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm hiểu việc sử dụng năng lượng mặt trời.
- Tích cực trồng cây xanh (mỗi bạn có thể trồng một cây cảnh nhỏ xinh vừa để trang trí, vừa giúp môi trường sạch hơn).
|
Nguồn: kênh 14.vn, ngày 22/01/2013
|